Đà Nẵng với mục tiêu thu hút 7 tỷ USD vốn đầu tư

Đà Nẵng đang tập trung ưu tiên nguồn lực, chú trọng kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực có nhiều thế mạnh phát triển.

Đích đến năm 2030

Đà Nẵng đang tập trung ưu tiên nguồn lực, chú trọng kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực có nhiều thế mạnh phát triển. Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2025, thành phố tập trung thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), sản xuất linh kiện điện tử, công nghệ cao (công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa và cơ điện tử, công nghệ vật liệu mới…), R&D, công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực cơ khí, cơ khí chính xác, điện – điện tử, dịch vụ logistics, dịch vụ thương mại, dịch vụ du lịch – bất động sản giá trị cao, tài chính, thể dục – thể thao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, sinh thái. Giai đoạn 2025-2030 sẽ tập trung thu hút đầu tư vào các dự án sản xuất dược phẩm và thiết bị y tế, CNTT, R&D, dịch vụ tài chính, giáo dục – đào tạo, y tế chất lượng cao, du thuyền quốc tế, văn hóa.

Đối với lĩnh vực công nghệ cao – trọng tâm phát triển của thành phố trong thời gian tới là tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật Khu Công nghệ cao, hoàn thiện thủ tục Khu Công nghiệp (KCN) hỗ trợ Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Đối với lĩnh vực CNTT, một trong những thế mạnh nổi bật của Đà Nẵng trong thời gian qua, thành phố đã triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, song song với việc ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.

Da Nang Voi Muc Tieu Thu Hut 7 Ty Usd Von Dau Tu
Dự án Cảng Liên Chiểu đang nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước

Bà Huỳnh Liên Phương – Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư thành phố Đà Nẵng cho biết, đến năm 2030, thành phố đặt mục tiêu thu hút thành công khoảng 7 tỷ USD vốn đầu tư trong và ngoài nước. Điều này hoàn toàn có cơ sở khi thành phố đang tập trung triển khai kêu gọi vốn đầu tư vào dự án Khu phức hợp trung tâm tài chính, thương mại, vui chơi giải trí, casino và chung cư cao cấp. Chỉ riêng dự án này sẽ thu hút tối thiểu 2 tỷ USD vốn đầu tư. Đây được kỳ vọng sẽ trở thành một siêu dự án trên địa bàn. Việc xây dựng phần cơ sở hạ tầng dùng chung của dự án Cảng Liên Chiểu có ý nghĩa quan trọng trong phát triển logistics, thương mại, dịch vụ, vì thế thành phố đang đẩy mạnh kêu gọi đầu tư hai bến container đầu tiên, dự kiến tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong năm 2023. Dự án hiện nay đang nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Ngoài ra, thành phố cũng đang kêu gọi đầu tư nhiều dự án lớn khác như: Khu tổ hợp thương mại, thể thao, giải trí quốc tế; Không gian đổi mới sáng tạo; Viện dưỡng lão; Bệnh viện quốc tế; Trường liên cấp quốc tế… Trong năm 2023, thành phố tập trung thu hút nguồn vốn FDI từ các thị trường truyền thống, trọng điểm như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hoa Kỳ, Đức… Bên cạnh đó, tăng cường quảng bá môi trường đầu tư, kinh doanh tại các thị trường tiềm năng, chủ động tiếp cận, mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước đến đầu tư tại thành phố, đặc biệt là thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn.

Tháo điểm nghẽn

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng Trần Thị Thanh Tâm, hầu hết các dự án FDI vào Đà Nẵng hiện nay tập trung vào KCN, tuy nhiên, diện tích đất cho thuê tại các khu này đã được lấp đầy trên 85%, các khu, cụm công nghiệp mới lại đang trong giai đoạn đầu tư.

Đối với các dự án ngoài KCN, hiện đang thiếu quỹ đất sạch có quy mô lớn để sẵn sàng kêu gọi đầu tư. Chưa kể, các dự án đề xuất đầu tư có liên quan đến đất đai cần phải thực hiện các thủ tục về quy hoạch, về đấu giá quyền sử dụng đất/đấu thầu dự án có sử dụng đất. Các thủ tục thường kéo dài, gây ảnh hưởng lớn đến công tác kêu gọi đầu tư. Hiện nay các nhà đầu tư nước ngoài chuyển qua xu hướng tìm hiểu, đánh giá hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp sẵn có tại Việt Nam để thực hiện đầu tư qua hình thức mua cổ phần, phần vốn góp sẽ rút ngắn được thời gian thực hiện các thủ tục và hiệu quả đầu tư lớn hơn.

Cũng theo bà Trần Thị Thanh Tâm, để tăng cường thu hút đầu tư FDI, thời gian tới, thành phố sẽ tập trung hoàn thành và phê duyệt quy hoạch các phân khu chức năng, hoàn thành quy hoạch 1/500. Đây được xem là tiền đề quan trọng, tạo quỹ đất, cơ sở để thu hút các dự án. Đặc biệt, xác định nguồn vốn FDI chủ yếu vào công nghiệp công nghệ cao, CNTT, vì thế thành phố tập trung để hoàn thiện các dự án hạ tầng này. Ngoài việc cải thiện hạ tầng kỹ thuật, Đà Nẵng cũng đẩy mạnh xúc tiến đầu tư bằng nhiều hình thức đa dạng, thiết thực hơn. Ngay từ đầu năm 2023, thành phố đã ban hành đề án xúc tiến các nhà đầu tư lớn vào khu công nghệ cao, KCN hỗ trợ, Khu CNTT tập trung; tạo điều kiện cho nhà đầu tư sớm hoàn thiện thủ tục đầu tư với các dự án đã cam kết nghiên cứu thực hiện.

Ngoài ra, Đà Nẵng tiếp tục hỗ trợ hiệu quả các nhà đầu tư tại chỗ như tạo thuận lợi và giải quyết nhanh thủ tục cho các nhà đầu tư đang hoạt động tại thành phố tăng vốn đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh hoặc triển khai dự án; tiếp tục phối hợp với các cơ quan trung ương kiến nghị tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác quy hoạch, đất đai, đầu tư để khơi thông nguồn lực; đa dạng hóa phương thức tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của nhà đầu tư; xử lý dứt điểm, kịp thời các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án đã cấp phép để tái khởi động các dự án… Đặc biệt, thành phố sẽ chú trọng xây dựng hạ tầng mềm như dịch vụ tài chính, trung tâm kiểm định chất lượng sản phẩm, dạy nghề, đào tạo nghề, trung tâm nghiên cứu, các cơ sở y tế để đáp ứng nhu cầu cao của các tập đoàn FDI lớn, tạo tiện ích cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Năm 2022 Đà Nẵng có 50 dự án FDI được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư (tăng 6 dự án so cùng kỳ năm 2021). Mặc dù tăng về số dự án nhưng số vốn đăng ký chỉ đạt 70,24 triệu USD (bằng 46,8% so với cùng kỳ năm 2021). Có 53 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần, phần vốn góp đạt 58,51 triệu USD; 38 dự án xin điều chỉnh vốn, phần vốn điều chỉnh tăng thêm 6,58 triệu USD. Tổng vốn đăng ký mới và tăng của khu vực FDI đạt 135,3% (bằng 78,7% so với cùng kỳ năm 2021).

Về thu hút đầu tư trong nước, thành phố đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 33 dự án với tổng vốn đăng ký 13.869 tỷ đồng (tăng 6 dự án và tăng 72,0% số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó, có 12 dự án nằm ngoài khu công nghiệp, khu công nghệ cao với tổng vốn đăng ký đạt 9.916 tỷ đồng; 21 dự án trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao với tổng vốn đạt 3.953 tỷ đồng.

(Theo Thời báo ngân hàng)