Làm sao hạn chế tình trạng khách mua tự giao dịch với khách bán

Đôi khi, khách hỏi mua sau khi đã có đầy đủ thông tin bất động sản (đất nền, nhà phố, căn hộ,…) từ môi giới bất động sản đã âm thầm làm việc trực tiếp với chủ, điều này diễn ra rất phổ biến, điều này làm ảnh hưởng đến công việc của nghề môi giới, kiến nhiều môi giới bất động sản phải đau đầu, có khi bỏ nghề.

Khách hàng tự giao dịch với chủ nhà – Mối lo thường trực của các môi giới

Khi lựa chọn làm môi giới bất động sản bạn sẽ phải đối mặt với nhiều tình huống dở khóc, dở cười khi tiếp xúc và làm việc với khách hàng. Trường hợp mà các môi giới không ai muốn gặp phải đó chính là khi khách hàng tự làm việc với chủ nhà sau khi môi giới đã cung cấp thông tin về bất động sản và làm giá cho khách hàng xong xuôi. Đây không phải là chuyện hiếm gặp khi mà khách hàng “khôn lỏi” không muốn phải mất phí hoa hồng cho môi giới mà vẫn muốn tìm kiếm được bất động sản ưng ý trong thời gian ngắn.

Làm sao hạn chế tình trạng khách mua tự giao dịch với khách bán

Môi giới Hải (Hải Châu, Đà Nẵng) đã từng gặp rất nhiều trường hợp khách hàng như vậy nhưng có lẽ lần làm anh “cay cú” nhất là vào 2 tháng trước, khi khách hàng trực tiếp liên hệ với anh cùng nhu cầu đang muốn tìm kiếm một căn hộ 2 phòng ngủ tại trung tâm Đà Nẵng. Khách hàng này khá khó tính là luôn gọi điện thúc giục anh mau chóng tìm căn hộ và làm giá sớm cho họ. Sau gần 1 tháng trời sau khi đã dẫn khách đi xem nhiều căn hộ, cuối cùng khách hàng này cũng chốt được một căn hộ Sơn Trà Ocean View ưng ý và hẹn sẽ ký hợp đồng với anh H vào hôm sau. Nhưng sau khi soạn thảo xong giấy tờ, anh H liên lạc lại với khách thì khách hàng này lại không bắt máy. Vài ngày sau, H liên hệ với chủ nhà thì được biết khách hàng của H đã mua căn hộ thành công.

Môi giới H chia sẻ: “Tiền hoa hồng mất có thể kiếm lại được nhưng tôi tiếc công sức mình đã bỏ ra để tìm kiếm căn hộ cho một khách hàng không xứng đáng!”

Có cả những trường hợp khách hàng sau khi đã có được các thông tin môi giới này cung cấp đã chặn mọi cách thức liên lạc và đưa hết các thông tin cho một môi giới bất động sản là người nhà. Như vậy vị khách hàng này vừa mua được căn hộ mà bán “người nhà” lại được hưởng phí hoa hồng mà không tốn công sức.

Làm sao để hạn chế khách hàng “qua mặt” môi giới bất động sản?

Điều đầu tiên có lẽ là phải xuất phát từ chính môi giới. Môi giới hãy thật thận trọng trong mọi hành động của mình, tuyệt đối không để khách hàng có được thông tin cá nhân của chủ nhà để tự liên hệ. Hãy luôn có mặt trong các buổi hẹn gặp giữa khách hàng và chủ nhà, đừng bao giờ để hai đối tượng này có các buổi gặp mặt hay trao đổi riêng.

Mặt khác, môi giới bất động sản cũng nên “chọn mặt gửi vàng” đúng khách hàng. Chúng ta không cần nhiều khách hàng mà chỉ cần tiếp cận được với những khách hàng “chất lượng”. Hãy dành thời gian lập kế hoạch, phương án để phân loại lựa chọn đúng khách hàng để phục vụ, và không phải mất thời gian cho những khách hàng “khôn lỏi”, lợi dụng môi giới để có được thông tin mình cần hay tìm được căn hộ ưng ý nhanh chóng mà lại miễn phí. Ngoài ra cũng nên cố gắng nhờ khách hàng không tiết lộ những thông tin về căn hộ mình đã tư vấn và làm giá cho những môi giới khác để tránh trường hợp cướp mối với phí hoa hồng rẻ hơn.

Cộng đồng môi giới bất động sản hãy kịch liệt lên án những hành động này, và đặc biệt không trở thành người tiếp tay cho những khách hàng sử dụng “chiêu bẩn” để tiết kiệm phí hoa hồng. Hơn bao giờ hết vấn đề bảo mật thông tin giao dịch cần được chú trọng để góp phần làm nên một thị trường bất động sản công bằng.