Tầm nhìn của lãnh đạo Đà Nẵng quyết định thành phố thông minh

Để phát triển thành phố thông minh phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam, con người và bộ máy vận hành là yếu tố quyết định, sử dụng công cụ công nghệ để phục vụ người dân tốt hơn.

Ý kiến này được ghi nhận tại buổi tọa đàm “Xây dựng Thành phố thông minh, tầm nhìn của các lãnh đạo” trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh về Thành phố Thông minh – Đà Nẵng 2019 diễn ra ngày 23-10, tại thành phố Đà Nẵng.

Trên thế giới hiện nay, trong quá trình phát triển thành phố thông minh, ứng dụng CNTT là điều cốt lõi. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Các địa phương “đua nhau” ứng dụng những công nghệ khác nhau để phát triển chính quyền điện tử. Tuy nhiên, theo ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, cần phải xem lại định nghĩa của thành phố thông minh trong tình hình thực tế tại Việt Nam.

Tầm nhìn của lãnh đạo Đà Nẵng quyết định thành phố thông minh
Các diễn giả trao đổi tại Hội nghị Thượng đỉnh về Thành phố thông minh – Đà Nẵng 2019 diễn ra hôm nay, 23-10, tại thành phố Đà Nẵng.

Dẫn chứng tình hình thực tế tại địa phương mình, ông Định cho biết công nghệ chỉ nên là công cụ giúp chính quyền giải quyết hiệu quả yêu cầu của người dân vì đây là mục đích cuối cùng khi phát triển thành phố thông minh. “Thực tế là con người và bộ máy chính quyền đang hụt hơi khi chạy theo ứng dụng công nghệ trong quản lý điều hành”, ông Định nói và chia sẻ thêm việc nâng cao năng lực là điều cần thiết. Bên cạnh đó, Thừa Thiên-Huế đang ứng dụng quy trình giải quyết phản ánh của người dân theo cấp từ phường, xã đến quận, huyện và tỉnh, thành phố.

Hiện nay, công nghệ phát triển rất nhanh, chúng ta không đủ sức để đi theo mà phải chọn lựa góc phù hợp thực tế với địa phương để thực hiện”, ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương, nói và đồng tình quan điểm với ông Định rằng nhân lực đóng vai trò quan trọng trong việc lựa chọn này. Ông Dũng chia sẻ thêm thay vì hô hào chung chung thì thành phố lựa chọn phát triển thông minh nên có mục tiêu rõ ràng cho từng giai đoạn.

Góp ý về chủ đề này, ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, cho biết để thực sự trở thành thành phố thông minh thực sự là điều khó khăn trong điều kiện hiện nay của Việt Nam. Vì vậy, chọn góc độ để thực hiện, xây dựng từng bước hạ tầng kỹ thuật số và phát triền nguồn nhân lực là điều cần làm ngay.

Bên cạnh đó, việc hợp tác ba bên bao gồm chính quyền, doanh nghiệp và người dân sẽ giúp tạo ra nguồn vốn đủ để thực hiện các kế hoạch”, ông Chinh chia sẻ. Ông Định và ông Dũng có cùng quan điểm về vấn đề xã hội hóa trong phát triển thành phố thông minh.

Với góc nhìn của người bên ngoài, bà Chalermluck Kebsap, Thị trưởng thành phố Patong (Thái Lan), chia sẻ Chính phủ đóng vai trò quyết định, cung cấp nguồn ngân sách và chính sách nhất quán để chính quyền địa phương thực hiện chương trình thành phố thông minh, phụ thuộc vào tình hình thực tế từng địa phương. Trong khi đó, ông David Wong, Chủ tịch Tổ chức Công nghiệp điện toán châu Á – Châu Đại Dương (ASOCIO) đặt ra thách thức chính quyền có “đủ can đảm” để chia sẻ dữ liệu lớn (Big Data) với cộng đồng hay không. “Vai trò chính quyền trong vấn đề phát triển thành phố thông minh là phải gắn kết được cộng đồng, có chính sách đúng và minh bạch”, ông chia sẻ thêm.

Được tổ chức thường niên từ 2017, Hội nghị thượng đỉnh về Thành phố thông minh là sáng kiến của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) phối hợp với các địa phương và các tổ chức CNTT quốc tế tổ chức thường niên, nhằm chia sẻ tầm nhìn chiến lược, kinh nghiệm xây dựng thành phố thông minh của các thành phố trong nước và khu vực.

Bên cạnh triển khai các ứng dụng thông minh cho chính phủ điện tử từ 2014, thành phố Đà Nẵng đồng thời đã và đang triển khai 53 dự án chính với kinh phí hơn 2.200 tỉ đồng để triển khai các dự án về thành phố thông minh đến năm 2025.

(TBKTSG Online)