Sáng ngày 11/08/2017, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng tổ chức Hội thảo khoa học về Những khó khăn và thách thức mục tiêu phát triển bền vững của Đà Nẵng trong tương lai.
Với tốc độ phát triển, trong những năm qua, Đà Nẵng như một đại công trường khổng lồ trong xây dựng và đã làm nơi đây có những thay đổi bất ngờ về bộ mặt đô thị. Nhưng còn đó những thách thức, những khó khăn trong mục tiêu phát triển bền vững của Đà Nẵng. Điều này cần lắm những ý kiến đóng góp từ những kiến trúc sư, những nhà quy hoạch, những nhà chuyên môn vì mục tiêu chung này.
Ông Hoàng Quang Huy, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Đà Nẵng cho rằng: Đà Nẵng cần những định hướng phát triển bền vững đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Trong chiến lược phát triển tương lai, Đà Nẵng đặt mục tiêu quy mô dân số trên 2,5 triệu dân cho đến năm 2030, cần mở được mở rộng không gian sử dụng đất, phát triển các trung tâm đặc thù tạo lực hút mạnh các nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế đến Đà Nẵng. Lộ trình và kế hoạch đặt ra cho chiến lược phát triển đô thị theo hướng hiện đại hoá nhưng phải đảm bảo mục tiêu thành phố thân thiện với môi trường và lấy lợi ích của người dân làm trung tâm cho định hướng phát triển phù hợp.
Vấn đề lớn nhất của Đà Nẵng trong thời gian gần đây đối với các vị trí đắc địa, nhạy cảm là giải pháp quy hoạch, thiết kế xây dựng thiếu tính bền vững về giữ gìn, bảo tồn, tôn tạo… nên gây ra những thách thức không cần thiết, không đáng có.

Đối với vấn đề về cạn kiệt đất trong tương lai của thành phố 3 triệu dân, KTS Ngô Trung Hải, Nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn quốc gia đã đưa ra mô hình phát triển đô thị nén là giải pháp phù hợp cho Đà Nẵng. Một đô thị nén có mật độ dân số từ trung bình 100-150 người/ha tới cao là 200-250 người/ha. Người dân đô thị cần có điều kiện nhà ở, điều kiện sống tốt. Các trung tâm cạnh tranh được phân cấp theo chức năng giúp người dân tiếp cận dễ dàng và hiệu quả hơn tới các dịch vụ cần thiết.
Thách thức về sự cạn kiệt đất, vì thế cần có sự kiểm soát về sử dụng đất xây dựng đô thị và kiểm soát về dân số. Kỹ sư Nguyễn Văn Chung, Nguyên Viện phó Viện Quy hoạch Xây dựng Đà Nẵng cho rằng: Lẽ ra theo xu thế đô thị phát triển đô thị ngày càng hiện đại thì tỷ lệ tăng dân số sẽ phải cao hơn tỷ lệ tăng diện tích xây dựng đô thị nhưng Đà Nẵng thì lại diễn biến ngược lại. Điều này có nhiều nguyên nhân từ việc các đồ án quy hoạch đều chọn hình thức thấp tầng, phát triển theo chiều rộng, quy hoạch thiên về phân lô nhỏ, khai thác tối đa quỹ đất dẫn đến gần như cạn kiệt quỹ đất dự trữ. Hậu quả là rất nhiều khu đất mặc dù đã có chủ nhưng đến nay vẫn để trống chưa xây dựng công trình gì. Trong khi đó quỹ đất dành cho không gian xanh, các tiện ích công cộng lại thiếu trầm trọng. Nhiều không gian sinh thái tự nhiên bị xâm hại, nhiều giá trị cảnh quan thiên nhiên sông núi, biển bị lấn chiếm phục vụ cho các dự án du lịch, dịch vụ mà người dân không được tiếp cận, thụ hưởng.
Có thể nhận xét việc kiểm soát sử dụng đất trong thời gian qua là lĩnh vực yếu kém nhất trong hoạt động kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch. Điều này nên được nhìn nhận một cách khoa học, khách quan, cầu thị để có giải pháp điều chỉnh, thay đổi kịp thời hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố môi trường, phát triển bền vững.
(Theo Báo Xây Dựng)